TIN TỨC & SỰ KIỆN

Giải pháp nào để an cư cho công nhân lao động

25/09/2019
Ngày 24/9, tại TP Hồ Chí Minh, Báo Tiền Phong tổ chức hội thảo Giải pháp an cư cho công nhân lao động Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Nam Minh Group Đồng hành cùng Báo Tiền Phong
Nam Minh Group Đồng hành cùng Báo Tiền Phong

Báo cáo của các địa phương cho thấy, hiện nay, nhu cầu nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp rất cao. Tính đến đầu năm 2018 có khoảng 1,2 triệu công nhân khu công nghiệp có nhu cầu về chỗ ở, dự kiến đến năm 2020 vào khoảng 1,7 triệu người.

Trong đó, lao động ngoại tỉnh chiếm trên 50% tổng số lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp, nhiều nhất là tỉnh Bình Dương (hơn 90%), TP Hồ Chí Minh (63%), Đồng Nai (60%), Hà Nội (59%)…

Đối với dự án nhà công nhân, hiện nay đã hoàn thành 100 dự án, quy mô xây dựng khoảng 41.000 căn, với tổng diện tích khoảng 2.050.000m2, bố trí chỗ ở cho khoảng 330.000 người lao động, chỉ đáp ứng khoảng 28% so với nhu cầu; đang tiếp tục triển khai 73 dự án, với khoảng 88.000 căn hộ (khoảng 704.000 chỗ ở)…

Các chuyên gia từ Nam Minh Group
Các chuyên gia từ Nam Minh Group

Tại hội thảo, các chuyên gia từ Nam Minh Group chia sẻ, nhu cầu nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp đang rất lớn, nhưng vướng mắc lớn nhất hiện nay là về thủ tục, nguồn vốn và cơ chế để doanh nghiệp tích cực tham gia.

Nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến phát triển nhà ở xã hội, chưa đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; một số địa phương có dự án nhà ở cho công nhân nhưng giá bán, cho thuê cao nên chưa phù hợp với điều kiện thu nhập của công nhân lao động.

Trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp, chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội, dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để triển khai các dự án nhà ở xã hội…

Để tháo gỡ bài toán an cư cho người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động đã triển khai Đề án Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Đây là chủ trương lớn, kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích về nhà ở và giải quyết nhu cầu gửi trẻ cho con công nhân lao động, siêu thị, nhà thuốc, nhà văn hóa cho công nhân lao động làm việc tại khu công nghiệp, khu chế xuất.

Quang cảnh Hội thảo "Giải pháp an cư cho công nhân lao động vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”
Quang cảnh Hội thảo “Giải pháp an cư cho công nhân lao động vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”

Ông Phan Văn Anh – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hiện nay, tỷ lệ lao động nhập cư ở các khu công nghiệp (KCN) trên 50%. Một số địa phương có tỷ lệ lao động nhập cư cao như: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và lao động ngoại tỉnh chiếm tới 70% tổng số lao động trong các KCN. Vì vậy, vấn đề xây dựng và đáp ứng nhu cầu về nhà ở khu vực này càng trở nên bức xúc.

Kết quả khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2016 cho thấy, trong số 2,7 triệu công nhân lao động đang làm việc tại 344 KCN, khu chế xuất trên cả nước thì có hơn 1,2 triệu công nhân có nhu cầu về nhà ở, hơn 800.000 công nhân có nhu cầu về nhà trẻ và 1,4 triệu công nhân có nhu cầu về siêu thị và các công trình trạm y tế, nhà văn hóa, nhà thi đấu, sân thể thao, nơi vui chơi giải trí.

Tuy nhiên, tại thời điểm khảo sát, nguồn cung về nhà ở, nhà trẻ, siêu thị và các trạm y tế… cho công nhân lao động tại khu vực này hiện mới chỉ đáp ứng từ 5 – 10% nhu cầu thuê, mua và nhu cầu sử dụng dịch vụ, sinh hoạt. Còn lại, phần lớn công nhân lao động đang phải ở trọ tại các nhà dân với điều kiện cơ sở vật chất và văn hóa thể thao còn thấp, ảnh hưởng sức khỏe, tác động đến năng suất lao động.

Ông Nguyễn Trọng Ninh – Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản – Bộ Xây dựng chia sẻ, để đảm bảo đời sống cho công nhân lao động an tâm làm việc, các tỉnh – thành đã hoàn thành 100 dự án nhà ở dành cho công nhân, quy mô khoảng 41.000 căn với tổng diện tích trên 2 triệu m2, bố trí cho 330.000 người. Tuy nhiên, còn rất nhiều khó khăn trong việc triển khai các dự án nhà ở xã hội.

“Vấn đề khó khăn lớn nhất là vốn. Sau khi gói tín dụng cho vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng kết thúc nhưng ngân sách Nhà nước chưa bố trí được nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại cho vay nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở. Hiện nay, ngân sách Nhà nước mới chỉ bố trí được gần 1.200/9.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội”, ông Nguyễn Trọng Ninh thông tin thêm.

An cư là “giấc mơ” của hàng trăm nghìn người lao động vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
An cư là “giấc mơ” của hàng trăm nghìn người lao động vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh –  Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh TP.HCM, để giải quyết nhà ở cho người lao động phía Nam thì cần có các giải pháp về xây dựng cũng như định hướng chiến lược phát triển nhà ở dài hạn của vùng trọng điểm kinh tế phía Nam. Bên cạnh đó, cũng cần huy động được nguồn vốn lớn và xây dựng quỹ đất đáp ứng cho các dự án phát triển nhà ở xã hội giá rẻ.

Để tháo gỡ bài toán an cư cho người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã triển khai đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”. Đây là chủ trương lớn, kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích về nhà ở và giải quyết nhu cầu gửi trẻ cho con công nhân lao động và nhu cầu về siêu thị, nhà thuốc, nhà văn hóa cho công nhân lao động làm việc tại KCN, khu chế xuất.

Theo tính toán ban đầu, mỗi căn hộ có diện tích từ 30 – 45 m2 với giá từ 150 triệu đồng trở lên. Nếu mỗi cặp vợ chồng tiết kiệm 1,8 – 2 triệu/đồng/tháng, trong khoảng 5 – 7 năm sẽ mua được nhà ở với diện tích 30m2. Ðối tượng được mua nhà là đoàn viên công đoàn, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp; công chức, viên chức cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn có thiết chế.

 

 

5/5 - (1 vote)
5 1 vote
Article Rating
0
Would love your thoughts, please comment.x
TƯ VẤN KHÁCH HÀNG